Nhằm thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) theo qui định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; trang bị cho cán bộ, công nhân viên các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chiều ngày 15/01/2022, Công ty TNHH Tổng kho hoá chất Việt Nam phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC huyện Thuận Thành đã tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. 

Nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng Kho Hoá Chất đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC trong quá trình hoạt động. Là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hoá chất – nguy cơ cháy nổ rất cao. Chính vì vậy, Công ty luôn quan tâm chú trọng đến việc đầu tư hệ thống PCCC, tuân thủ các quy định về thẩm duyệt và nghiệm thu khi xây dựng nhà xưởng; đầu tư, hoàn thiện các hệ thống, thiết bị PCCC như báo cháy, báo khói tự động, thoát hiểm, máy bơm, bể chứa nước.

Cảnh sát PCCC hướng dẫn lý thuyết cho cán bô, nhân viên

Những sự cố cháy, nổ hóa chất hầu hết đều gây ô nhiễm môi trường do các chất độc hại khuếch tán vào không khí hoặc nguồn nước, sau đó thẩm thấu vào đất, gây nguy hại tới môi trường trực tiếp hoặc lâu dài.

Hóa chất dễ cháy, nổ là những hóa chất có thể hoặc tự phân giải gây cháy, nổ hoặc cùng các chất khác tạo thành hỗn hợp cháy, nổ trong điều kiện nhất định về thành phần, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Tại Phụ lục B, C tiêu chuẩn TCVN 5507:2002 “Hóa chất nguy hiểm – Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển”. Trong quá trình hoạt động sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hóa chất, nếu không thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sẽ dễ xảy ra các sự cố hoá chất. Đó là sự việc bất thường xảy ra liên quan đến hóa chất như: Cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người và thiệt hại về tài sản, gây hại cho động thực vật, môi trường và có thể gây ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội. Đặc biệt, nhiều loại hóa chất có nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Chính vì vậy, để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hóa chất, cần phải thực hiện tốt các giải pháp, đó là: Bố trí vị trí cơ sở phải xem xét hướng gió chủ đạo và các vị trí này phải đặt ở cuối hướng gió, cách xa nguồn nước, khu dân cư, xung quanh phải có hàng rào bảo vệ, bên ngoài phải treo biển cấm lửa, cấm hút thuốc. Đầu tư, lắp đặt các hệ thống trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định, đặc biệt là trang bị chất chữa cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy của hóa chất để sử dụng dập tắt đám cháy hiệu quả; đồng thời, phải trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc thích hợp khi chữa cháy.

Phải phân loại và sắp xếp các loại hóa chất dễ cháy, nổ riêng và chú thích rõ ràng. Hóa chất kỵ nước nên được sắp xếp ở gian kho riêng biệt, đảm bảo kín và cách ly với khu vực xung quanh; Hóa chất đóng bao phải sắp xếp trên bục hoặc giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5m; hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao ít nhất 0,3m; hóa chất dạng lỏng chứa trong phuy, can… và hóa chất dạng khí chứa trong các bình chịu áp lực phải được xếp đúng quy định; các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2m, lối đi chính trong kho phải rộng tối thiểu 1,5m; hóa chất dễ cháy phải để cách xa với nguồn nhiệt tối thiểu 0,5m hoặc phải được cách ly với vật liệu chống cháy.

Biển báo cấm lửa- cấm hút thuốc trong khu vực sản xuất

Trong quá trình hoạt động phải có biện pháp đảm bảo không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập. Dụng cụ, thiết bị điện ở những nơi có hóa chất dễ cháy, nổ phải là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khí dễ cháy, nổ. Cầu dao, cầu chì, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa hóa chất dễ cháy, nổ. Các nhánh dây điện phải có cầu chì hoặc thiết bị bảo vệ tương đương; hệ thống điện chiếu sáng phải là loại phòng nổ, phải ngăn ngừa sự xâm nhập của hơi khí, bụi dễ cháy nổ vào thiết bị chiếu sáng. Xe chuyên dụng vận chuyển hóa chất lỏng dễ cháy phải có dây tiếp đất và có biển cấm lửa. Trên đường vận chuyển hóa chất nguy hiểm, không được đỗ dừng phương tiện ở nơi công cộng đông người như: chợ, trường học, bệnh viện…. Đối với hóa chất nguy hiểm bị nhiều tác động, khi vận chuyển không được dừng, đỗ nơi phát sinh ra nguồn nhiệt và không được đỗ lâu dưới trời nắng gắt.

Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng ngọn lửa trần, hút thuốc lá hoặc mang vật có thể phát lửa (bao diêm, bật lửa…) tại các vị trí có để hóa chất hoặc nguyên liệu dễ cháy, nổ. Trước khi thực hiện chữa cháy phải tiến hành trinh sát đám cháy, xác định rõ loại, vị trí, cách sắp xếp, tình trạng bao bì, khối lượng hóa chất có tại cơ sở. Tuyệt đối không phun nước khi chưa rõ loại hóa chất trong cơ sở đối với các loại hóa chất kỵ nước.

Nhân viên thực hành sử dụng bình chữa cháy

Đội PCCC của công ty có nhiệm vụ kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người lao động về các nguy cơ, biện pháp an toàn trong quá trình sản xuất và sau mỗi ngày làm việc; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn tập PCCC tại Công ty; tuyên truyền những nội dung liên quan đến công tác PCCC cho toàn bộ công nhân, nhân viên hàng tuần. Nhờ vậy, đến nay tất cả công nhân của Công ty đều nắm rõ các bước khi có sự cố cháy nổ, bao gồm:

  1.  Phải tri hô, đến nơi gần nhất
  2. Ngắt nguồn điện
  3. Sử dụng bình chữa cháy tại chỗ.
  4. Gọi hỗ trợ từ 114

Buổi học thiết thực đã giúp cán bộ, công nhân viên công ty nâng cao ý thức trong công tác PCCC trong làm việc và sản xuất khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời người lao động đã biết cách ứng phó kịp thời, nhanh chóng nếu có hoả hoạn từ hoá chất.

Tác giả: Admin